Khi Luật Chứng khoán sửa đổi được thông qua: Vốn ngoại kỳ vọng sẽ tăng trưởng đột biến - Thời báo Tài chính

22/04/2019 10:01:05 AM - 1.066 lượt xem

(TBTCVN) - Luật Chứng khoán sửa đổi có nhiều điểm mới thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc hoàn thiện thể chế, tăng hiệu quả quản lý, kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến diễn biến thị trường chứng khoán (TTCK), đặc biệt dưới góc độ thu hút vốn ngoại.

 
Đây là đánh giá của ông Nguyễn Đức Hoàn - Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), khi trao đổi với phóng viên TBTCVN.
 
 

 

ông Nguyễn Đức Hoàn

Ông Nguyễn Đức Hoàn

 

* PV: Thưa ông, dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi đã có nhiều nội dung mới bổ sung theo hướng tích cực để thu hút mạnh mẽ hơn dòng vốn nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Ông có thể chia sẻ đánh giá của mình về những quy định này trong dự thảo?

- Ông Nguyễn Đức Hoàn: Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi dự kiến trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 5 tới đây, bao gồm nhiều nội dung đáng chú ý, thu hút sự quan tâm của thị trường. Bên cạnh các vấn đề liên quan đến quy định về chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng, nâng thẩm quyền và tăng tính độc lập cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tăng mức phạt đối với các sai phạm trên thị trường,… các nội dung trong dự thảo còn nổi bật lên vấn đề về tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room ngoại). Theo dự thảo, ngoại trừ các trường hợp có quy định riêng, room ngoại tại các doanh nghiệp (DN) niêm yết là 100%.

Đối với pháp luật hiện hành (Nghị định 60/2015/NĐ-CP) cho phép các công ty không thuộc các ngành kinh doanh có điều kiện có thể chủ động xin nới room lên 100%. Tuy nhiên, thực tế từ khi Nghị định 60/2015/NĐ-CP được ban hành cho đến nay, trên TTCK Việt Nam chỉ có hơn 30 DN chính thức nới room lên mức 100%. Điều này cho thấy mặc dù quy định khá mở, nhưng trên thực tế đã không giúp cải thiện đáng kể yếu tố room ngoại như thị trường kỳ vọng trước đó. 

Tiếp xúc với các tổ chức đầu tư nước ngoài, bản thân tôi nhận thấy, các quỹ đầu tư cũng gặp nhiều khó khăn trong việc lựa chọn DN để đầu tư. Thực tế là đa số các DN làm ăn bài bản, tăng trưởng ổn định và vốn hóa, giá trị giao dịch đủ lớn, rất được nhà đầu tư (NĐT) ngoại ưa thích hiện đã kín room. Do vậy, nếu thực sự Luật Chứng khoán sửa đổi được ban hành giúp số DN có room ngoại ở mức 100% tăng mạnh, dòng vốn đầu tư vào TTCK Việt Nam sẽ chứng kiến sự tăng trưởng đột biến.

* PV: Những thay đổi này có vai trò thế nào trong tiến trình nỗ lực nâng hạng TTCK Việt Nam trong thời gian tới, thưa ông?

- Ông Nguyễn Đức Hoàn: Đối với vấn đề nâng hạng lên thị trường mới nổi theo chuẩn MSCI của Việt Nam, chúng ta còn có khoảng 9 tiêu chí chưa đạt yêu cầu theo MSCI (trung bình các nước mới nổi chỉ có 3 tiêu chí chưa đạt yêu cầu), trong đó vấn đề về room ngoại liên quan trực tiếp đến 3 tiêu chí. Vì vậy, kỳ vọng điều này có thể được giải quyết qua Luật Chứng khoán sửa đổi.

Như vậy, ngay cả khi Luật Chứng khoán sửa đổi được công bố giúp giải quyết các vấn đề liên quan đến NĐT nước ngoài, đây vẫn chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải điều kiện đủ. Chúng ta vẫn cần hoàn thiện hơn nữa để đáp ứng được các tiêu chí định lượng và định tính còn lại của MSCI.

* PV: Nếu được thông qua, liệu chúng ta có nên kỳ vọng về sự gia tăng của TTCK trong thời gian tới hay không, thưa ông?

- Ông Nguyễn Đức Hoàn: Luật Chứng khoán sửa đổi có nhiều điểm mới thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc hoàn thiện thể chế, tăng hiệu quả quản lý, nâng cao hiệu quả đầu tư cho các NĐT, phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế và TTCK nên hiển nhiên sẽ có các tác động tích cực đến diễn biến TTCK, đặc biệt dưới góc độ thu hút dòng vốn ngoại. Mặc dù vậy, tôi cho rằng, các chuyển biến thực chất cần thêm thời gian để đánh giá.

* PV: Có ý kiến cho rằng, để TTCK Việt Nam hấp dẫn thực sự trong con mắt của NĐT nước ngoài, ngoài việc cởi mở về quy định pháp lý, thì rất cần sự chung tay của nhiều bên. Ông nghĩ thế nào về ý kiến này?

- Ông Nguyễn Đức Hoàn: Việc TTCK Việt Nam hiện đang xếp hạng ở thị trường cận biên cho thấy, mức độ phát triển của thị trường còn tương đối thấp so với khu vực. Để thị trường phát triển, được nâng hạng và thu hút thêm dòng vốn ngoại, bên cạnh những quy định pháp lý cởi mở, sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, chúng ta cũng cần sự chung tay phối hợp của các bên bao gồm cả từ phía DN và NĐT.

Cụ thể, đối với DN, mối quan hệ với NĐT cần được đẩy mạnh, không chỉ hướng đến NĐT trong nước mà cả NĐT quốc tế. Các báo cáo, tài liệu, văn bản pháp lý, công bố thông tin bằng tiếng Anh cần được công bố đầy đủ và cùng thời điểm với phiên bản tiếng Việt. Báo cáo tài chính các DN công bố cần có tính minh bạch cao và chất lượng báo cáo có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế. Về phía NĐT, bên cạnh sự quản lý của các cơ quan chức năng, bản thân NĐT là người nội bộ cũng cần có ý thức không sử dụng các thông tin nội bộ trong hoạt động đầu tư, thao túng giá cổ phiếu… 

* PV: Xin cảm ơn ông!
                                                                                                                                                                             Duy Thái